Thế là đã 5 năm kể từ ngày thăm cụ Phan Thị Ý, đây chính là làng nghề đầu tiên Trại Cá tới thăm, thắp lên tình yêu với sản phẩm thủ công. Trại Cá vẫn còn nhớ mãi khung cảnh đó, cuộc nói chuyện câu được câu chăng đó... vẫn còn giữ bản ghi chép vội sau khi thăm làng (Trại Cá luôn ghi chép ngay sau khi đi vì sợ quên mất :D) mời bạn đọc chơi nha:

" Ngôi làng rộng rãi, thoáng mát vắng vẻ, đường nhựa phẳng phiu, có chợ và hồ nước làm trung tâm, khi đi vào trong làng, không có cảm nhận đây là 1 làng nghề dệt. Để ý kỹ hơn sẽ thấy có rất nhiều nhà bán đồ sơ sinh, quần áo tã trẻ em, đồ may mặc. Khi được hỏi thì mọi người đều trả lời rằng làng hầu như ít dệt và không còn dệt nữa. Được biết trước có cụ Phan Thị Ý – 85 tuổi là người còn giữ được khung cửi khổ nhỏ duy nhất còn lại từ thời xưa, tôi hỏi đường đến nhà cụ. Khi đến cụ đang gói bánh tro trong ngày tết Hàn Thực. Cụ không nghe rõ tôi nói nhưng khi nhắc đến khung cửi thì cụ hiểu ra, vì cũng đã có nhiều nhà báo đã đến để nói chuyện và quay phim về cụ.


Cụ đưa chúng tôi vào phòng trong nơi có khung cửi. Khung cửi đến nay vẫn còn hoạt động và cụ vẫn dệt. Cụ nói các con cụ không cho cụ làm nữa muốn cụ nghỉ ngơi nhưng cụ bảo chơi cũng chán và ko có sức chơi nên làm cho đỡ chán.

Cụ kể về các con và gia đình của cụ. Tai của cụ đã kém nên cụ không nghe được tôi hỏi, tôi đành chọn cách ngồi nghe cụ nói. Tôi nhờ cụ thử dệt cho chúng tôi xem, cụ ngồi dệt chậm rãi, Tôi ngỏ ý muốn mua chỗ vải cụ đã dệt, cụ hỏi chúng tôi mua làm gì, vải này chỉ để làm đậu thôi. Sợi được cụ nhào với cơm, rồi căng trên khung cửi, vải dệt ra hơi giống vải xô nhưng cứng hơn và chắc chắn hơn. Tôi thấy rất đẹp...

Tôi mua được 1 xấp vải, về tôi không biết làm gì với xấp vải cho xứng đáng và đã tặng cho anh Phương Giò (họa sỹ Nguyễn Đức Phương) anh rất thích.

Rời nhà cụ tôi thăm 1 nhà cũng có các khung cửi chạy mô tơ, gặp chị chủ nhà chị giải thích rằng đây là các khung cửu hồi xưa nhưng giờ được mô tơ hóa cho nhạy nhanh, và bây giờ chỉ dệt vải xô làm khăn sơ sinh hoặc làm băng gạc bệnh viện. Một số xưởng dệt chuyển thành dệt mành tre
xưa đều được tập trung, cải tiến để trở thành khung dệt tăm tre...

Hồng Mỹ, một ngày năm 2015..."