Nghệ thuật thêu luôn có một sức hút đặc biệt, Trại Cá đã đến thăm nhiều làng thêu, một làng thêu nổi bật đó là làng thêu Đông Cứu, xã Dũng Tiến, Thường Tín.

Làng thêu Đông cứu đã có lịch sử lâu đời với nghề thêu truyền thống trên trang phục cung đình. Anh Nguyễn Văn Đốc đã làm nghề được hơn 20 năm, thời nay, khi cung đình không còn nữa, làng chuyên thêu trang phục cho các lễ hội, đồng cốt. Làng trở nên đặc biệt bận rộn vào mỗi mua lễ hội.

Có nhiều phương thức thêu: thêu máy và thêu tay. Thêu máy rẻ hơn và nhanh hơn thêu tay nhiều. Thêu máy đc sử dụng nếu yêu cầu của khách không quá cao, giá vừa phải hoặc cần gấp. Còn những chiếc áo thêu tay cầu kỳ nhất có thể lên tới 100 triệu. Họa tiết hoa văn anh tự sáng chế dựa theo những mẫu cổ. Những mẫu mã trên áo của anh luôn được rút kinh nghiệm để lần sau đẹp hơn trước.

Nguyên liệu chính sử dụng là vải lụa từ làng Vạn Phúc, gấm từ Trung Quốc.

Cũng giống các làng nghề thủ công khác, khó khăn lớn nhất của nghề đó là tìm thợ khó, đào tạo thợ lâu, giới trẻ không thích làm nghề này, thường bỏ đi làm việc khác vì công thêu rẻ mà công việc đòi hỏi tỷ mỷ, kiên nhẫn, nhiều công sức.

Đôi khi khách hàng không đánh giá đúng được giá trị thẩm mỹ, công sức của bức thêu tay. Một khó khăn nữa là rất dễ bị cạnh tranh, chỉ cần bị chụp bức ảnh là có thể làm nhái lại với giá rẻ hơn. Vì vậy anh cần nghiên cứu thay đổi mẫu liên tục để tránh bị sao chép.

Các phương pháp thêu đều giữ được từ truyền thống, bây giờ có them thêu máy nên cũng giải quyết được nhiều việc nhanh hơn. Hồi trước để vẽ mẫu, các cụ dung giấy than hoặc vẽ trực tiếp lên vải, rất mất công. Hiện nay có giấy can cũng đỡ hơn nhiều.

Anh Vũ Giỏi là nghệ nhân thêu nổi tiếng nhất của làng, anh đã từng phục dựng rất nhiều mẫu áo cung đình phục vụ cho các bảo tàng và các mục đích nghiên cứu.

Anh Giỏi đặc biệt tâm huyết với nghề và anh xác định đi theo con đường riêng để tạo nên giá trị cho nghề thêu. Rất cầu kỳ trong từng chi tiết và nguồn nguyên liệu. Anh đã từng đi chọn tơ tằm khi còn là kén để kéo ra sợi tơ mà anh mong muốn. Đặt sợi tơ -> thuê xe theo kích cỡ chỉ mình muốn. nếu màu đơn giản thì thuê nhuộm, màu khó thì tự nhuộm. Số lượng ít nhưng đảm bảo chất lượng đúng như yêu cầu. 

Anh cùng các nhà nghiên cứu tìm hiểu những hình mẫu từ lịch sử, thời Lý – Trần để phục dựng lại, các chi tiết, đường nét, tỷ lệ, đều cố gắng tôn trọng nguyên bản. Từ rất nhiều nguồn thông tin như hỏi các cụ, các tư liệu xưa…. Thừa nhận mình không phải là nhà sử học, không thể hoàn toàn chuẩn xác với lịch sử, nhưng anh cố gắng hết sức trong khả năng của mình.

Anh cũng mong muốn được truyền dạy lại cho thế hệ sau kỹ thuật thêu truyền thống và đang xây dựng một bảo tàng cá nhân cùng không gian sáng tác để thực hiện được ước mơ này.

Ngoài đi sâu vào dòng phục dựng, anh vẫn có thể làm những mặt hang bình dân phục vụ lễ hội cho bà con.

Cảm nhận riêng của Trại Cá:

Làng thêu Đông Cứu sở hữu một nghề rất đặc sắc là thêu cung đình, chứa đựng được tinh hoa văn hóa của lịch sử Việt Nam cả về nghệ thuật và kỹ thuật. Tuy nhiên do nhu cầu của thị trường không còn nên bây giờ chỉ phục vụ lễ hội, biểu diễn, đồng cốt. Những người am hiểu không nhiều nên nghệ thuật thêu này dễ bị biến tướng, lai căng với Trung Quốc, suy giảm về giá trị thẩm mỹ và kỹ thuật.

May mắn là những nghệ nhân tâm huyết với nghề đã cố gắng gìn giữ, phục dựng, và truyền bá lại cho thế hệ sau những giá trị này.