Bác Nguyễn Văn Quyền - Nghệ nhân đèn kéo quân
Trong ký ức của tớ thì không có đèn kéo quân, tớ chỉ được nghe kể hoặc xem trên tranh ảnh chứ hiếm khi được thấy đèn kéo quân ngoài đời. Tuổi thơ của các bạn có được chơi đèn kéo quân không?
Tìm hiểu thì được biết bác Quyền, thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội đã được phong nghệ nhân làm đèn kéo quân nên tớ tò mò đến chơi.
LỊCH SỬ
Gia đình bác từ đời ông đã làm đèn kéo quân, tuy nhiên, đây không gọi là làng nghề bởi vì trong làng cũng rất ít nhà làm. Làm đèn kéo quân không gọi là "nghề" vì nghề này không kiếm sống được, gọi là "chơi" thì đúng hơn.
Cháu hình dung ngày xưa sinh sống theo kiểu tự cung tự cấp. Nơi nào biết nơi đó chứ không giao thương nhiều. Ở làng này thì có một vài nhà làm được đèn kéo quân phục vụ cho những dịp lễ như Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu hay Rằm tháng Tám.
Sản phẩm làm ra để chơi, giao lưu là chính, thi thoảng có đưa cho bà hàng xén dăm ba cái gánh ra chợ bán vui vậy thôi. Dần dần, những nơi khác cũng biết đến, ai yêu thích thì ghé đặt hàng. Vậy là cũng túc tắc làm để bán đến giờ.
SẢN PHẨM
Vì đèn kéo quân được tạo ra bởi số ít những nghệ nhân thích chơi đèn nên không có khuôn mẫu cố định. Đèn có thể to, nhỏ, làm bằng giấy dó, hoặc giấy bóng kính. Mẫu mã được sáng tạo tùy theo cảm hứng của người nghệ nhân.
Về kỹ thuật làm đèn thì có sự cải tiến 2 lần trong đời bác:
- Từ trước năm 2007, đèn vẫn nguyên cách làm khung cũ: mặt trên 2 khung lục lăng ghép, mặt dưới cũng vậy, 2 hàng cột buộc lạt (hoặc dây thép) 72 mối mới thành khung đèn.
- Từ 2007 trở đi, bác cải tiếng thành 6 miếng tam giác ghép lại thành 2 hình lục lăng trên dưới tạo thành khung.
- Mới gần dây, bác cải tiến khung tre xoay, có thể gập phẳng được, đây là cách làm vận chuyển dễ dàng hơn vì thông thường đèn rất cồng kềnh chở đi các nơi rất khó và tốn kém.
ĐỜI SỐNG
Trong làng hiện giờ chỉ có bác và chú em vợ bác làm đèn. Khó khăn nhất ở nghề này có lẽ là thị trường, đèn kéo quân làm rất mất công nên giá thành không rẻ, thị trường không đón nhận nhiều, khá ít người hiểu và thích chơi đèn.
Bác luôn mong muốn truyền được nghề cho thế hệ sau. Ở nhà các anh chị con bác đều làm được, tuy nhiên không mặn mà vì đây không phải là nghề kiếm sống
Hàng năm, bác hay được mời đến bảo tàng dân tộc học dạy làm đèn cho các cháu sinh viên. Bác nghĩ rằng cứ như vậy thì mọi người sẽ biết làm, và cách làm đèn sẽ được lưu giữ.
Cảm nhận của tớ:
Tuy chiếc đèn kéo quân có bề ngoài giản dị nhưng khi nhìn trực tiếp đèn quay quay, tớ cảm thấy có gì đó kỳ diệu lắm, nếu như được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, chắc chắn sẽ trầm trồ hơn nữa.
Đèn kéo quân không phải là một món đồ chơi náo nhiệt như trống, mặt nạ, đầu lân mà sẽ cần một không gian và cảm xúc để ngắm nhìn.
Chúng tớ có mang 1 đèn kéo quân và đèn ông sao 6 cánh làm từ giấy dó về trưng bày tại Trại Cá. Mời bạn ghé thăm ngắm nghía cùng các em nhỏ nha, chắc chắn sẽ thú vị lắm ạ
...
Trại Cá - đồ dùng thủ công Việt Nam
Form đặt set bánh: https://forms.gle/c5gcZXswV7cVHxWZ6
https://traicahome.com/
Số 1, ngõ 200, Trần Đại Nghĩa, Hà Nội.
035 9233138
Viết bình luận